Cuốn sách làm cho người đọc vỡ ra nhiều thứ, nhiều câu hỏi đã tồn tại trong bản thân mình từ rất lâu.
Tiểu thuyết mà không như tiểu thuyết, sách self-help mà không như sách self-help, Lựa Chọn Nhiệm Màu (The Choice) của Og Mandino không theo định chuẩn nào về thể loại mà là một kiểu “sách lai”. Nhưng nó làm cho người đọc vỡ ra nhiều thứ, nhiều câu hỏi đã tồn tại trong bản thân mình từ rất lâu.
Là tác giả của hơn 12 tác phẩm bán chạy nhất thế giới, Og Mandino được xem là một trong những nhà văn viết về sách self-help thành công nhất trong lịch sử. Sách của ông được dịch ra 25 thứ tiếng và thay đổi cuộc đời hàng triệu người.
Khi Og Mandino chuẩn bị vào đại học thì mẹ ông đột ngột qua đời. Ông quyết định nghỉ học đi làm công nhân cho một nhà máy giấy. Sau đó, ông phục vụ trong quân đội, giải ngũ và làm nghề bán bảo hiểm. Cuối cùng, ông quyết định bỏ tất cả để thực hiện ước mơ trở thành nhà văn. Câu chuyện đời ông được tùy biến vào nhân vật Mark Christopher trong chính tác phẩm Lựa Chọn Nhiệm Màu.
Không xuất chúng như bộ sách làm nên tên tuổi của Og Mandino, Người Bán Hàng Vĩ Đại Nhất Thế Giới, với mức tiêu thụ kỷ lục hơn 10 triệu bản, nhưng Lựa Chọn Nhiệm Màu lại được xem là tác phẩm tốt nhất để gieo trồng tình yêu, niềm tin và hy vọng cho tất cả mọi người.
Mở đầu bằng lời thông báo trước về cái chết trong vòng 90 ngày nữa của Mark Christopher, nhân vật người viết cuốn sách này, Lựa Chọn Nhiệm Màu gợi cho người đọc sự tò mò rất lớn ngay từ những trang đầu tiên. Đó cũng là lý do khiến anh ta phải gấp rút hoàn thành cuốn sách càng sớm càng tốt. Nhưng ai lại muốn đọc một cuốn sách mà nhân vật chính đã được định trước là sẽ chết ngay từ đầu?
Phó giám đốc thường trực trẻ nhất của một hãng bảo hiểm lớn, chịu trách nhiệm hơn 80 văn phòng chi nhánh khắp nước Mỹ, đồng thời là một giáo sư trợ giảng cho một trường đại học danh tiếng, có vợ, hai con hạnh phúc. Tất cả làm nên hình ảnh đáng ganh tỵ cho một Mark Christopher viên mãn. Chưa kể, một vị trí cao hơn trong hãng bảo hiểm ấy vẫn đang chờ người đàn ông này. Anh ta không bị bệnh nan y, không gặp vấn đề gì về tinh thần. Thế thì tại sao anh phải chết?
Lần dở từng trang sách, câu chuyện của Mark Christopher dần mở. Cái kết ấy là kết quả của một chuỗi lựa chọn. Bắt đầu bằng một lựa chọn khiến ai cũng phải bất ngờ, tác giả kéo bạn đọc vào một câu chuyện kỳ lạ của một nhà văn kỳ lạ với ước muốn về cuốn sách để đời của mình.
Rồi theo bước hành trình ấy, người đọc nhận được một câu chuyện màu nhiệm về tình yêu, niềm tin và hy vọng. Đó là tình yêu dành cho gia đình, cho công việc và cho tất cả những người xung quanh. Đó là niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống và vào nỗ lực của mỗi người. Cuối cùng, đó là hy vọng - nguồn sức mạnh vô biên có thể giúp bất kỳ ai làm nên kỳ tích.
Trong một xã hội vật chất lên ngôi, sống “ảo” dễ hơn sống thật, chọn cách sống tốt đã khó, tốt hơn lại càng khó. Làm sao chúng ta có thể hướng đến điều này? Như lời của nhân vật Mark Christopher, mỗi ngày, chúng ta đều trải qua hàng trăm sự lựa chọn, đa số tầm thường và quen thuộc đến mức chúng diễn ra tự động, giống như việc hít thở vậy.
Bữa sáng ta ăn gì, bộ đồ ta mặc, con đường ta đi, những hóa đơn ta trả hay chừa lại, chương trình tivi ta xem, công việc ta làm, cách chào hỏi bạn bè hay kẻ thù... Thế nhưng, thi thoảng ta cũng gặp phải những lựa chọn khác, những quyết định mà sau đó ta có thể nhớ và nhìn lại với nỗi buồn cay đắng hoặc niềm vui chiến thắng. Những bước ngoặt trong đời như thế hiếm khi được lên kế hoạch hay nhìn thấy trước.
Làm thế nào những bước ngoặt ấy xảy ra được khi phần lớn mọi người cứ thủng thẳng đi theo một con đường trong suốt nhiều năm ròng mà không có đích đến, không có một mục tiêu hay thậm chí là một tấm bản đồ? Phải chăng đã đến lúc chúng ta xây lại con đường mình đang đi, đơn giản chỉ bằng sự cố gắng tốt hơn chính những điều mình đã làm?