“Đừng đọc quyển sách này nếu bạn muốn là một ai đó, bởi vì nó sẽ biến bạn thành không ai cả, một thứ vô ngã...”
Ajahn Brahm là cái tên thân mật của thiền sư Brahmavamso. Ông sinh năm 1951 tại London, Anh quốc. Vào tuổi 16, khi còn là học sinh trung học, ông đã tham dự nhiều khóa thiền, đọc nhiều sách Phật giáo và tự nhận mình là Phật tử.
Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Lý thuyết tại Đại Học Cambridge. 23 tuổi, ông xuất gia và tu học 9 năm dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah, thiền sư danh tiếng được tôn kính bậc nhất ở Thái Lan, theo hệ phái Nguyên thủy, truyền thống khổ hạnh Sơn Lâm (Forest Sangha).
Năm 1983, ông được Hội Phật Giáo Tây Úc mời về Perth (Tây Úc) để thiết lập Tu viện Bodhinyana, một tu viện Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên của Úc, cũng là tu viện có nhiều tăng chúng nhất ở Úc. Năm 2003, cùng với Hội Phật giáo Tây Úc, ông vận động xây dựng Thiền viện Jhana Grove, một trung tâm hành thiền lớn nhất Nam bán cầu.
Cũng như những bài giảng dành cho đối tượng người nghe là tầng lớp bình dân, phần lớn, tác phẩm của ông luôn chứa đựng sự thân thiện, những câu chuyện đời thường và được kể bằng giọng văn hết sức dí dỏm.
Tuy nhiên, với một vài đầu sách, ông đòi hỏi người đọc phải có sự tập trung cao hơn. Cũng như, dành thời gian chiêm nghiệm những lý thuyết từ giáo lý nhà Phật. Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất (The Art Of Disappearing) là một trong những tác phẩm như vậy.
“Đừng đọc quyển sách này nếu bạn muốn là một ai đó, bởi vì nó sẽ biến bạn thành không ai cả, một thứ vô ngã...”, Ajahn Brahm mở đầu tác phẩm của mình như thế. Sau lời cảnh báo, ông dẫn người đọc đến với thực tế: Dù chúng ta sống ở đâu, chúng ta là ai, thì cũng phải nếm trải khó khăn, lúc này hay lúc khác. Bởi đó là bản chất của cuộc sống. Vậy thì, giải pháp cho những vướng bận này phải bắt đầu từ đâu?
|
Câu trả lời là biến mất. Cùng với việc viện dẫn các lý thuyết về chánh niệm, tâm và thân, tác giả mô tả chi tiết cách thức để người thường có thể “biến mất”.
Không chỉ cái bên ngoài biến mất mà toàn bộ cái bên trong, tất cả những thứ hợp thành con người chúng ta, cũng trở về con số không tròn trĩnh. Thiền sư tư vấn: “Khi bạn bất an, hãy cứ biến mất. Khi bạn mệt mỏi, hãy cứ biến mất. Hãy cứ biến mất và rồi chán nản cũng biến mất...”.
Khác với thái độ trốn chạy, thường thấy ở người thường, khi phải đối điện với thách thức, khái niệm biến mất của thiền sư bao hàm trong đó sự tĩnh đến từ quá trình hành thiền, thời gian chiêm nghiệm cuộc sống lẫn thái độ sống tích cực, biết buông bỏ và chế ngự tham, sân. Buông mà không tiếc nuối, cho đi mà thấy mình đầy hơn. Trạng thái đó mới chính là hạnh phúc vĩnh hằng.
Không dễ để lĩnh hội cũng như thực hiện những bài giảng mà Ajahn Brahm trình bày trong tập sách này. Nó đòi hỏi người đọc phải thông hiểu về chánh niệm, khái niệm Tâm cũng như Tuệ.
Theo thiền sư, người hạnh phúc đúng nghĩa là người đánh mất tất cả mọi thứ. Họ thực sự là những kẻ mất mát vĩ đại bởi đã chế ngự được những gào thét từ trong bản ngã. Tác phẩm khép lại với thông điệp đơn giản: Hãy là chủ nhân đối với những khát khao của mình. Càng tĩnh lặng, chúng ta càng an lạc.