Nghiên cứu cho thấy thiền có hiệu quả không kém gì việc dùng thuốc để trị bệnh trầm cảm.
Dùng thuốc chống trầm cảm trong 2 năm là phương pháp điều trị cho những người có lịch sử bị trầm cảm. Nhưng liệu pháp chữa trị dựa trên thiền tỉnh thức cũng có thể có hiệu quả tương đương không kém gì dùng dược phẩm. Đó là kết quả của một nghiên cứu mới đây. Theo đó, liệu pháp chữa trị dựa trên sự tỉnh thức (MBCT) được phát triển từ các kỹ thuật thiền, khuyến khích các cá nhân sống trong sự tỉnh thức trong từng giây từng phút, từng khoảng khắc hiện tại. Khi được kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp này có thể giúp những người bị chứng trầm cảm tái phát.
Liệu pháp MBCT dạy cho người bệnh nhận biết rằng những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sẽ còn tái diễn, nhưng cũng cho họ thấy rằng họ hoàn toàn có thể tách rời bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực đó. Thay vì lo lắng, suy nghĩ mãi về chúng, con người có thể tập luyện để gia tăng nhận thức về chúng, hiểu chúng, chấp nhận chúng nhằm tránh rơi vào tình trạng trầm uất kéo dài.
Phương pháp điều trị tốt nhất, được khuyến nghị bởi Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị (NICE) - một viện hàng đầu của Anh và thế giới trong việc xây dựng các hướng dẫn chuyên môn điều trị và tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng - là khuyến khích người có lịch sử trầm cảm tái phát tiếp tục sử dụng thuốc chống trầm cảm trong ít nhất 2 năm. Tuy nhiên, một số lại e dè đối với việc liên tục uống thuốc trầm cảm trong một thời gian dài, trong khi những người khác lại thấy bệnh trầm cảm lại tái phát mỗi khi họ ngưng thuốc.
Cuộc thử nghiệm - được xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet - được tiến hành trên 424 người lớn ở Anh. Những người này tình nguyện thử phương pháp điều trị bằng thuốc, hoặc thử phương pháp điều trị bằng thiền định. Một nửa trong số đó được chọn ngẫu nhiên vào nhóm người dùng thuốc và nửa số còn lại thì dùng liệu pháp MBCT. Những ai được điều trị bằng liệu pháp thiền định tham gia 8 buổi học kéo dài hơn 2 giờ, cộng với việc thực hành thiền mỗi ngày ở nhà; và họ được lựa chọn theo học 4 buổi nâng cao trong hơn 1 năm. Khóa học này gồm hướng dẫn ngồi thiền, thảo luận nhóm và cả những bài tập thực hành về hành vi nhận thức. Những bệnh nhân trong nhóm thiền đã dần dần ngưng sử dụng thuốc. Còn những người thuộc nhóm điều trị bằng dược phẩm thì tiếp tục uống thuốc trong 2 năm.
Kết quả cho thấy tỉ lệ tái phát ở cả hai nhóm tương đương nhau với 44% ở nhóm ngồi thiền và 47% ở nhóm sử dụng thuốc. Ở mỗi nhóm có 5 trường hợp bị chuyển biến xấu hơn, trong đó có 2 người qua đời.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nghiên cứu này có thể cho thấy liệu pháp thiền định sẽ hiệu quả hơn là dùng thuốc, căn cứ trên các công trình trước đó, nhưng kết quả lại không như họ đã nghĩ. Tác giả Willem Kuyken, Giáo sư về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford, cho biết: “Đó là mệnh đề giả thuyết của chúng tôi. Nó được căn cứ trên nghiên cứu thử nghiệm của chúng tôi vào năm 2008. Lúc đó, có một ý kiến cho rằng MBCT mang lại hiệu quả tốt hơn là dùng dược phẩm. Nhưng thực tế cho thấy nó không phải là ưu việt hơn việc dùng thuốc”.
Dẫu vậy, sau nghiên cứu trên, họ rút ra kết luận rằng liệu pháp điều trị dựa trên sự tỉnh thức có hiệu quả không kém gì việc dùng thuốc. Có nghĩa là liệu pháp này đang mang lại một lựa chọn mới cho những ai không muốn phải dùng thuốc liên tục trong nhiều năm.
Đồng tác giả Richard Byng, Giáo sư của Trường Y -Nha khoa Peninsula thuộc Đại học Plymouth, nói rằng: “Hiện tại, việc duy trì uống thuốc chống trầm cảm vẫn là phương pháp điều trị chính để ngăn ngừa bệnh tái phát, giảm khả năng tái phát hoặc tần suất tái phát tới 2/3 nếu bệnh nhân uống thuốc đúng cách. Tuy nhiên, có nhiều người vì một số lý do khác nhau, không thể tiếp tục dùng thuốc trị trầm cảm. Hơn nữa, nhiều người cũng không muốn cứ dùng đến thuốc hoài trong khoảng thời gian không giới hạn, hoặc không thể chịu được tác dụng phụ của thuốc”.
Nigel Reed từ Sidmouth, Devon, một người có tham gia vào cuộc thử nghiệm này, thì cho biết: “Thiền cho tôi những kỹ năng mà tôi có thể sử dụng để giữ gìn sức khỏe về lâu dài. Thay vì phụ thuộc vào việc uống thuốc trầm cảm liên tục, thiền cho tôi “quyền” làm chủ căn bệnh, cho phép tôi kiểm soát tương lai của chính mình, cũng như chỉ ra cho tôi thấy khi nào tôi đang có nguy cơ bị trầm cảm và thực hiện những thay đổi cần thiết để giữ cho tinh thần luôn khỏe mạnh”.
Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy liệu pháp có thể mang lại hiệu quả tốt hơn là dùng thuốc đối với những trường hợp có lịch sử bệnh phức tạp nhất và có nguy cơ tái phát cao nhất. Nghiên cứu cũng cho thấy liệu pháp MBCT đã giải quyết được những ca có rủi ro cao, do từng bị lạm dụng, ngược đãi khi còn nhỏ. “MBCT có thể mang lại khả năng phục hồi ở nhóm bệnh nhân có rủi ro cao nhất vì nhóm bệnh nhân này được trang bị các kỹ năng nhận diện và giải quyết một số cơ chế sâu xa dẫn đến tình trạng tái phát bệnh”, nghiên cứu viết.
Trước kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn, Kuyken cho biết ông dự kiến NICE sẽ xem xét báo cáo nghiên cứu này trong cuộc họp sắp tới để điều chỉnh, bổ sung những phương pháp hướng dẫn điều trị bệnh trầm cảm tái phát.
Giáo sư Roger Mulder, Đại học Otago ở New Zealand, cho rằng những phát hiện nói trên có tầm quan trọng rất lớn. Theo ông, vì đó là liệu pháp điều trị theo nhóm, nghĩa là giúp giảm được chi phí điều trị, nên MBCT có thể mang đến cho các bệnh nhân một lựa chọn mới. “Chúng tôi có một phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn mà có tính hiệu quả chi phí lớn và có thể áp dụng được cho số đông các bệnh nhân bị trầm cảm tái phát”.
“Trầm cảm là một căn bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống bệnh nhân. Căn bệnh này đang trở nên phổ biến và mang lại gánh nặng lớn về chi phí điều trị. Mặc cho bệnh nhân đã tăng cường việc dùng thuốc trị trầm cảm, nhưng kết quả lâu dài của việc rối loạn tâm lý không được cải thiện cho đến nay. Do đó, có một phương pháp điều trị thay thế mà không phải dùng đến thuốc là một liệu pháp quan trọng giúp những bệnh nhân bị bệnh trầm cảm”, ông Mulder nói.
(Theo The Guardian)
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư